31-10-2024
Bên cạnh những nỗ lực của các bậc cha mẹ và nhà trường, vai trò của các doanh nghiệp (DN) nội dung số cũng rất quan trọng, nhằm tạo ra những nội dung lành mạnh, phù hợp với trẻ, từ đó phát huy tính tích cực của mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung đối với trẻ em. Đặc biệt, những nội dung lành mạnh và hấp dẫn sẽ thu hút trẻ, giúp trẻ tránh xa những nội dung tiêu cực, không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất các nội dung số lành mạnh, an toàn cho trẻ nhỏ, ông Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Sconnect, cho rằng các DN nội dung số cần phân loại nội dung rõ ràng, nội dung nào dành cho trẻ em, nội dung nào không dành cho trẻ em; thiết kế những chương trình đào tạo nội bộ cho nhân sự về phát triển các nội dung sáng tạo lành mạnh và phù hợp với trẻ em; áp dụng chính sách kiểm duyệt nội dung để nhà sáng tạo nội dung cho trẻ em tránh sản xuất các nội dung không phù hợp; tổ chức hoạt động giao lưu giữa các nhà sáng tạo nội dung cho trẻ em để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Là thành viên của Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) do Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) thành lập, ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết đối với Sconnect, quy trình sản xuất và kiểm soát nội dung luôn phải chặt chẽ, được phân ra 2 tầng, bao gồm tầng kiểm soát nguyên liệu đầu vào, các ý tưởng, kịch bản, và tầng thứ hai là kiểm duyệt các đầu ra cuối cùng xem sản phẩm đã đáp ứng đúng tiêu chuẩn về nội dung lành mạnh và giá trị, đảm bảo các nội dung phù hợp với từng độ tuổi hướng đến.
Ngoài các quy trình kiểm soát, Sconnect cũng liên tục tiếp thu những góp ý từ khán giả, người xem để cải tiến chất lượng nội dung.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, việc phát triển nội dung vừa mang tính giáo dục, vừa có tính giải trí để thu hút trẻ em là “một thách thức lớn”. Theo đó, để tạo ra các sản phẩm nội dung đáp ứng đồng thời yêu cầu giáo dục, an toàn và giá trị giải trí, các nhà sản xuất phải trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng bài bản, đòi hỏi đội ngũ sản xuất có năng lực cao, thời gian đầu tư dài và chi phí lớn để đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, Sconnect cũng như các DN khác còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nội dung khác, những sản phẩm chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn giáo dục và giải trí, nhưng lại được sản xuất nhanh chóng, chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận khán giả. Đặc biệt, các DN còn đối mặt với nguy cơ bị đánh cắp bản quyền nội dung.
“Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh của các sản phẩm giáo dục vẫn còn hạn chế, nguồn thu từ các nội dung dành cho trẻ chưa thực sự phát triển mạnh, đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất trong việc cân bằng giữa giá trị nội dung và hiệu quả kinh tế”, ông Tạ Mạnh Hoàng chia sẻ.
Theo bà Quyên Phạm, cha mẹ hãy dành thời gian chia sẻ với trẻ em giúp trẻ có khả năng tự nhận diện và phân tích khi tiếp xúc với các nội dung trên Internet.Để đối mặt với những thách thức, Sconnect đã lên kế hoạch hướng tới giá trị trong dài hạn. “Đầu tiên là các giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện chất lượng sản phẩm”, ông Hoàng nói và cho biết Sconnect hiện đang hợp tác các đội ngũ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, biên kịch, thiết kế, đến các chuyên gia về tâm lý trẻ nhỏ để có thể đem đến những sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu sở thích của trẻ em.
“Chúng tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo (VR) vào trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo, đồng thời mở rộng hợp tác sản xuất, đầu tư với các DN trong cùng lĩnh vực để tận dụng và phát huy hết các thế mạnh của nhau”, chuyên gia cho biết.
Ngoài ra, công ty còn phải nâng cao hiệu quả kinh doanh, gia tăng nguồn doanh thu đến từ các nội dung cho trẻ, bằng cách kết hợp với các nhãn hàng, nền tảng phát hành, các tổ chức giáo dục…
Đối với nguy cơ bị đánh cắp bản quyền nội dung, ông Hoàng đề xuất cơ quan nhà nước có các biện pháp thực thi mạnh mẽ hơn về quyền sở hữu trí tuệ.
“Việc tuân thủ pháp luật sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất nội dung trong thực thi bảo vệ bản quyền mạnh mẽ hơn, để ngăn chặn việc sao chép, vi phạm bản quyền, từ đó khuyến khích sự sáng tạo, phát triển các nội dung có giá trị giáo dục và giải trí cho trẻ em. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng sao chép hoặc ăn cắp ý tưởng, tạo điều kiện cho môi trường sáng tạo công bằng và lành mạnh hơn”, ông Hoàng nói.
Nội dung số dành cho trẻ em Make in Viet Nam vẫn chưa nhiều. Ảnh: Bộ phim hoạt hình Việt nổi tiếng Wolfoo do những người trẻ Việt Nam sản xuất.Bên cạnh đó, theo bà Quyên Phạm, việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo về sáng tạo nội dung số cho trẻ em cũng sẽ giúp thúc đẩy các sản phẩm số giá trị, an toàn cho trẻ, giúp nhà sáng tạo chia sẻ kinh nghiệm và nắm bắt được cách thiết kế sao cho có tính giáo dục nhưng cũng hấp dẫn trẻ nhỏ. Những khóa học này có thể giúp nhà sáng tạo không chỉ sản xuất nội dung hấp dẫn mà còn phù hợp với sự phát triển tâm lý và nhận thức của trẻ.
Đặc biệt, về mặt vĩ mô, các cơ quan chức năng có thể tạo ra môi trường, sân chơi giúp các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam dễ dàng phát hành và quảng bá sản phẩm của mình, không phải phụ thuộc vào các nền tảng quốc tế.
Đó có thể là các chương trình hỗ trợ quảng bá sản phẩm sáng tạo có tính giáo dục cao, các chính sách khuyến khích nhà sáng tạo đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm nội dung lành mạnh và bổ ích cho trẻ em. Đồng thời, các chương trình tài trợ hoặc giải thưởng có thể được thiết lập để khuyến khích các dự án sáng tạo xuất sắc trong lĩnh vực này.
“Việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, giống như ưu đãi đối với dịch vụ phần mềm hoặc các sản phẩm khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi sẽ có thể khuyến khích các nhà sáng tạo đầu tư vào các sản phẩm mang tính giáo dục, phù hợp với trẻ em”, bà Quyên Phạm nói./.